1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ-Nhật phát triển hệ thống tên lửa đánh chặn vũ khí siêu vượt âm

Thanh Thành

(Dân trí) - Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này và Nhật Bản có kế hạch phát triển chung hệ thống tên lửa đánh chặn vũ khí siêu vượt âm với chi phí hơn 3 tỷ USD.

Mỹ-Nhật phát triển hệ thống tên lửa đánh chặn vũ khí siêu vượt âm - 1

Một tên lửa siêu vượt âm được lắp vào máy bay ném bom B-52H trong một cuộc thử nghiệm của Mỹ (Ảnh: USAF).

Theo một quan chức Cơ quan Phòng thủ Tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, trong tổng số đó, Nhật Bản sẽ phân bổ 1 tỷ USD cho dự án Đánh chặn giai đoạn lướt (GPI).

Dự án này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhất trí triển khai khi tham dự hội nghị ba bên, cùng người đồng cấp Hàn Quốc, tại Trại David ở Washington hồi năm 2023 và đang đặt mục tiêu hoàn thành việc phát triển tên lửa vào những năm 2030.

Dự án mới nhằm mục đích đánh chặn các tên lửa siêu vượt âm đang lao tới trong giai đoạn bay dễ bị tổn thương nhất (tức là giai đoạn lướt) trước khi chúng từ không gian quay trở lại bầu khí quyển, rất khác so với hệ thống phòng thủ thông thường được thiết kế để đánh chặn tên lửa ngay trước khi tiếp cận mục tiêu.

Đây là lần thứ hai Mỹ và Nhật Bản quyết định cùng nhau phát triển một tên lửa đánh chặn, sau dự án Standard Missile-3 Block 2A. Động thái mới được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc, Triều Tiên và Nga đang tích cực theo đuổi các công nghệ siêu vượt âm.

Bên cạnh dự án hợp tác với Nhật Bản, Mỹ cũng đang phát triển mạng lưới tên lửa siêu vượt âm của riêng mình. Tháng 3/2024, nước này đã công bố những hình ảnh các đội bay B-52 tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam được huấn luyện làm quen với tên lửa siêu vượt âm AGM-183A.

Tên lửa và các phương tiện lướt siêu vượt âm có khả năng bay với tốc độ trên Mach 5 (tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh), vốn có tính cơ động cao, có thể thay đổi hướng liên tục trong suốt hành trình, khiến chúng khó bị bắn hạ hoặc theo dõi bởi radar.

Các nước phương Tây trong thời gian qua đã để ý hơn tới cách phòng thủ trước vũ khí siêu thanh. Hồi tháng 9/2022, các nhà sản xuất tên lửa của Đức và Tây Ban Nha đã cùng đặt mục tiêu phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa siêu vượt âm nhằm hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa.

Nga cũng đầu tư đáng kể vào các công nghệ siêu vượt âm. Vào tháng 3/2022, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng vũ khí siêu vượt âm trong chiến đấu khi bắn tên lửa siêu vượt âm Kinzhal từ trên không vào một cơ sở vũ khí dưới lòng đất của Ukraine.

Theo Kyodo